Những đứa con của nửa đêm
Phan_51
Nhưng tôi lớn lên ở Bombay, nơi Shiva Vishnu Ganesh Ahuramazda Allah và vô vàn thần linh khác đều có bầy chiên của mình... “Vậy còn bách thần điện,” tôi lý luận, “với ba trăm ba mươi triệu vị thần của riêng đạo Hindu? Và Hồi giáo, và Phật giáo...?” Và đây là câu trả lời: “Phải rồi! Lạy Chúa, hàng triệu vị thần, cậu nói đúng! Nhưng tất cả đều là hóa thân của OM. Cậu theo đạo Hồi: cậu biết OM là gì chứ hả? Tốt lắm. Với quần chúng, Đức bà chính là hiện thân của OM.”
Chúng tôi có bốn trăm hai mươi người; vỏn vẹn 0,00007 phần trăm của dân số lên đến sáu trăm triệu người của Ấn Độ. Không đáng kể về mặt thống kê; thậm chí, nếu tính trên ba mươi (hay hai trăm năm mươi nghìn) người bị bắt, chúng tôi cũng chỉ chiếm 1,4 (hay 0,168) phần trăm! Nhưng tôi đã học được từ Bàn tay của mụ Góa phụ rằng, những kẻ muốn làm thần không sợ gì bằng các thần linh tiềm năng khác; và rằng, chính vì vậy và chỉ bởi vậy, nên chúng tôi, những đứa trẻ thần kỳ của nửa đêm, mới phải hứng chịu sự căm ghét khiếp sợ hủy diệt của mụ Góa phụ, kẻ không chỉ là Thủ tướng Ấn Độ mà còn thèm khát trở thành Devi, hình tướng khủng khiếp nhất của Mẫu-thần, người sở hữu shakti của các nam thần, một linh thần nhiều tay có mái tóc rẽ ngôi giữa và phân liệt... Và tôi đã giác ngộ ý nghĩa của mình tại cung điện đổ nát của những người đàn bà ngực bầm như thế đó.
Tôi là ai? Chúng tôi là ai? Chúng tôi đang là, sẽ là, những vị thần quý vị không bao giờ có. Và còn là một thứ khác; và để giải thích điều ấy, tôi sẽ phải kể đoạn khó khăn cuối cùng.
Nào, thì tăng tốc, nếu không thì sẽ chẳng bao giờ đến được đoạn đó. Tôi xin kể với quý vị rằng vào ngày đầu năm mới, 1977, tôi được một cô gái quyến rũ với cặp hông đong đưa cho biết rằng phải, bọn chúng sẽ bằng lòng với bốn trăm hai mươi, chúng đã xác minh được một trăm ba mươi chín đã chết, chỉ vài trốn thoát, thế nên, việc đó sắp bắt đầu, xoẹt xoẹt, sẽ có thuốc gây mê và đếm-đến-mười, những con số diễu hành một hai ba, và tôi, thì thầm với bức tường, Cứ mặc cứ mặc chúng, chừng nào chúng ta còn sống và đoàn kết thì kẻ nào có thể chống lại chúng ta?... Và ai đã dẫn chúng tôi, từng-người-một, xuống căn phòng dưới hầm nơi (vì chúng ta không phải dân man rợ, thưa ngài) có điều hòa nhiệt độ, và chiếc bàn bên trên lơ lửng một ngọn đèn treo, và bác sĩ y tá màu xanh và đen, áo choàng màu xanh mắt màu đen... ai đã, với cặp đầu gối lồi bất bại, áp giải tôi đến căn phòng sẽ hủy hoại tôi? Nhưng quý vị biết mà, quý vị có thể đoán ra, câu chuyện này có duy nhất một người hùng thời chiến; không thể tranh cãi với nọc độc của đôi đầu gối ấy, tôi đành đi theo lệnh hắn đến bất cứ đâu... và rồi tôi đến nơi, và một cô gái quyến rũ với cặp hông đong đưa đầy đặn bảo, “Nói cho cùng, cậu không thể phàn nàn, cậu không phủ nhận cậu từng khẳng định mình có Năng lực tiên tri chứ hả?” bởi vì chúng biết tất cả, Padma, tất cả tất cả, chúng đặt tôi lên bàn và chiếc mặt nạ chụp xuống mặt tôi và đếm-đến-mười và những con số thình thịch bảy tám chín...
Mười.
Và “Lạy Chúa hắn ta vẫn còn tỉnh, ngoan nào, tiếp tục đến hai mươi đi...”
... Mười tám mười chín hai
Họ là những bác sĩ giỏi: họ không cho may rủi một cơ hội nào. Loại tiểu phẫu, cắt ống dẫn tinh và dẫn trứng, của đám đông không dành cho chúng tôi; bởi những phẫu thuật kiểu này vẫn có cơ may, chỉ là cơ may, phục hồi... chúng tôi cũng được phẫu thuật cắt bỏ, nhưng không thể phục hồi: tinh hoàn bị cắt khỏi bìu, và tử cung biến mất vĩnh viễn.
Bị cắt bỏ tinh hoàn và tử cung, lũ trẻ của nửa đêm đã bị tước bỏ khả năng sinh sản... nhưng đó chỉ là hệ quả phụ, bởi vì đó là những bác sĩ thực sự xuất sắc, và họ đã hút kiệt ở chúng tôi nhiều hơn thế: hy vọng cũng bị cắt đứt, và tôi không biết nó được thực hiện ra sao, bởi vì những con số đã sầm sập tiến đến, tôi đã bị nốc ao, và tất cả những gì tôi nhớ được là kết thúc mười tám ngày của những ca phẫu thuật tê liệt tâm trí được thực hiện với tốc độ trung bình 23,33 ca mỗi ngày, chúng tôi không chỉ mất đi những hòn bi và túi nội thể, mà cả những thứ khác nữa: về phương diện này, kết cục của tôi khả dĩ hơn đa số, việc hút-kiệt-ở-trên đã cướp đi của tôi khả năng ngoại cảm được nửa đêm ban tặng, tôi không còn gì để mất, một cái mũi nhạy cảm là thứ không thể bị hút đi... nhưng về phần những người còn lại, những người mà năng lực thần kỳ còn nguyên vẹn khi bị bắt đến cung điện của các góa phụ khóc than, thì giây phút hồi tỉnh khi tan thuốc mê thực sự tàn nhẫn, và những bức tường thầm thì phát ra câu chuyện về sự hủy hoại của họ, và tiếng khóc ai oán của những đứa trẻ mất đi pháp thuật: ả đã cắt bỏ nó khỏi chúng tôi, một cách quyến rũ với cặp hông nảy nở đong đưa, ả đã thiết kế chiến dịch hủy diệt chúng tôi, và giờ chúng tôi chẳng là gì hết, chúng tôi là gì chứ, chỉ vỏn vẹn 0,00007 phần trăm, giờ cá chẳng thể được nhân lên và sắt cũng chẳng thể hóa vàng; kết thúc vĩnh viễn rồi, khả năng phi thăng và hóa sói cùng nguyên-thủy-một-ngàn-lẻ-một điều ước thần kỳ của một nửa đêm thần thánh.
Hút kiệt ở dưới: đó là một phẫu thuật không thể phục hồi.
Chúng tôi là ai ? Những hứa hẹn bất thành; hứa để mà thất hứa.
Và giờ tôi phải kể cho quý vị chuyện cái mùi.
Phải, quý vị phải được nghe hết: dù phóng đại đến đâu, dù gay cấn kiểu chớp-bóng-Bombay đến đầu, quý vị cũng phải thấu hiểu, cũng phải thấy! Cái mà Saleem đánh hơi thấy vào tối 18 tháng Một năm 1977: có gì đó đang được rán trên chảo sắt, thứ gì đó mềm và không thể nói ra được ướp nghệ mùi thì là và cỏ cà ri... mùi cay nồng không lẫn đi đâu được của những-thứ-vừa-bị-cắt-bỏ, nấu trên lửa nhỏ, liu riu.
Trong khi bốn trăm hai mươi con người chịu đựng phẫu thuật cắt bỏ, một Nữ thần báo thù đảm bảo rằng những bộ phận bị cắt bỏ này được nấu cà ri với hành và ớt xanh và đem cho đàn chó hoang ở Benares. (Có bốn trăm hai mươi mốt ca cắt bỏ: bởi vì một người trong chúng tôi, mà chúng tôi gọi là Narada, hoặc Markandaya, có khả năng chuyển đổi giới tính; cậu ấy, hoặc cô ấy, phải phẫu thuật hai lần.)
Không, tôi không chứng minh được, không một chút gì. Chứng cứ đều đã bốc hơi: một số bị chó ăn; và sau này, vào ngày 20 tháng Ba, hồ sơ bị một bà mẹ với mái tóc hai màu và đứa con trai yêu dấu đốt sạch.
Nhưng Padma biết rõ điều tôi không làm được nữa; Padma, người đã một lần, trong cơn giận dữ, hét lên: “Anh thì được tích sự gì, lạy Chúa, như một người yêu?” Riêng chuyện này, ít nhất, có thể kiểm chứng: trong lều của Picture Singh, tôi đã tự nguyền rủa bản thân khi nói dối mình bất lực; tôi không thể bảo không có ai cảnh báo tôi, vì anh đã nói: “Điều gì cũng có thể xảy ra.” Nó xảy ra thật.
Đôi khi tôi cảm thấy mình đã một nghìn tuổi: hay (bởi vì tôi chẳng thể, đến tận bây giờ, từ bỏ hình thái), chính xác hơn, một nghìn lẻ một.
Bàn tay của mụ Góa phụ có cặp hông đong đưa, và từng sở hữu một tiệm kim hoàn. Tôi cũng bắt đầu giữa kim hoàn: ở Kashmir, năm 1915, có kim cương và ngọc bích. Các cụ tôi có một tiệm buôn đá quý. Hình thái! - một lần nữa, tái diễn và định hình! - không thể thoát được nó.
Trong những bức tường, vọng ra tiếng thì thầm tuyệt vọng của bốn trăm mười chín nạn nhân tê liệt; trong khi kẻ thứ bốn trăm hai mươi trút cơn phẫn nộ - chúng cho phép tôi một lần, một khoảnh khắc quát tháo duy nhất - vào câu hỏi ấm ức sau đây... to đến lạc giọng, tôi thét lên: “Còn hắn thì sao? Thiếu tá Shiva, tên phản bội? Các người không quan tâm đến hắn à?” Câu trả lời, từ cô ả quyến-rũ-có-cặp-hông-đong-đưa: “Ngài Thiếu tá đã tình nguyện cắt ống dẫn tinh.”
Và giờ, trong buồng giam không cửa sổ, Saleem bắt đầu cười, thật lòng, hết cỡ: không, tôi không cười cay độc kình địch của mình, mà tôi cũng không suy diễn một cách châm biếm chữ “tình nguyện” thành một chữ khác; không, tôi nhớ đến những chuyện Parvati tức Laylah đã kể cho tôi, những huyền thoại về thói phong lưu của người hùng thời chiến, về những binh đoàn con hoang căng phồng trong những cái bụng không bị phẫu thuật của các mệnh phụ phu nhân và gái điếm; tôi cười bởi vì Shiva, kẻ hủy diệt những đứa trẻ nửa đêm, đồng thời đã hoàn thành vai trò còn lại được ẩn giấu trong tên hắn, chức năng của Shiva-linga, của Shiva-đấng-sinh-thành, thành thử đúng thời điếm ấy, ở các khuê phòng và ổ chuột trên cả nước, một thế hệ những đứa trẻ mới, hậu duệ của đứa trẻ hắc ám nhất của nửa đêm, đang được nuôi lớn đến tương lai. Các mụ Góa phụ kiểu gì cũng quên mất một điều quan trọng.
Cuối tháng Ba năm 1977, tôi bất ngờ được phóng thích khỏi cung điện của các góa phụ gào khóc, đứng hấp háy mắt như chim cú dưới ánh mặt trời, không hiểu vì đâu tại sao thế nào. Sau đó, khi đã nhớ ra cách đặt câu hỏi, tôi phát hiện ra rằng vào ngày 18 tháng Một (đúng ngày xoẹt-xoẹt kết thúc, ngày một số thứ bị rán trên chảo sắt: quý vị còn cần bằng chứng gì nữa để khẳng định chúng tôi, bốn trăm hai mươi đứa trẻ, là đối tượng mụ Góa phụ khiếp sợ hơn hết thảy?) ngài Thủ tướng đã, trước sự kinh ngạc của tất cả, kêu gọi tổng tuyển cử. (Nhưng giờ khi đã biết về chúng tôi, chắc quý vị cũng dễ hiểu tại sao mụ tự tin đến thế.) Nhưng ngày hôm ấy, tôi không hay biết gì về thất bại liểng xiểng của mụ, lẫn chuyện mụ đốt hồ sơ; mãi sau này tôi mới biết niềm hy vọng tả tơi của đất nước này đã được gửi gắm vào tay một lão già lẫn cẫn chuyên ăn hạt điều và hạt dẻ cười và mỗi ngày đều uống một cốc “nước tự có” ra sao. Những kẻ uống nước tiểu đã lên nắm quyền. Trong mắt tôi, đảng Janata, với một trong số các lãnh đạo bị nhốt trong máy chạy thận, có vẻ không phải là (khi tôi nghe tin này) đại diện của một bình minh tươi sáng; nhưng có thể tôi rốt cuộc đã tự chữa khỏi virus lạc quan - có thể những người khác, bệnh vẫn còn trong máu, lại cảm thấy điều ngược lại. Dù sao đi nữa, tôi nếm - vừa mới nếm, vào cái ngày tháng Ba ấy - mùi chính trị như thế là đủ, quá đủ rồi.
Bốn trăm hai mươi đứa trẻ đứng hấp háy mắt trong ánh mặt trời và không khí om sòm của những ngõ phố ở Benares; bốn trăm hai mươi người nhìn nhau và thấy trong mắt nhau ký ức về việc mình bị thiến, và rồi, không sao chịu nổi hình ảnh ấy, lúng búng những lời tạm biệt, rồi giải tán, lần cuối cùng, vào sự riêng tư chữa lành vết thương của đám đông.
Thế còn Shiva? Thiếu tá Shiva bị chính quyền mới ra lệnh quản thúc trong nhà tù quân đội; nhưng hắn không ở đây lâu, bởi vì hắn được phép đón một người vào thăm: Roshanara Shetty đã hối lộ ve vãn luồn lọt để vào được xà lim của hắn, chính cô bé Roshanara đã rót thuốc độc vào tai hắn ở Trường đua Mahalaxmi và từ đó đã phát điên vì một đứa con hoang kiên quyết không chịu nói và không chịu làm điều gì nó không thích. Vợ của nhà tài phiệt thép rút trong xắc tay ra khẩu súng lục Đức cỡ đại của chồng mình, bắn xuyên tim người hùng thời chiến. Cái chết, như họ nói, đến ngay tức khắc.
Viên Thiếu tá chết mà không biết rằng khi xưa, tại một nhà hộ sinh màu nghệ-và-xanh giữa cái hỗn loạn thần bí của một nửa đêm không thể nào quên, một người đàn bà nhỏ bé bấn loạn đã tráo thẻ tên, và cướp mất của hắn quyền vị lúc chào đời, nghĩa là cái thế giới bọc trong tiền trên đỉnh đồi với những bộ quần áo hồ trắng, và vật chất vật chất vật chất - một thế giới mà hắn sẽ khoái được sở hữu biết mấy.
Còn Saleem? Không còn gắn kết với lịch sử, bị hút kiệt cả ở-trên-và-ở-dưới, tôi tìm đường về thủ đô, ý thức rằng một thời đại, khởi đầu từ cái nửa đêm xa xưa ấy, xem ra đã đến hồi kết thúc. Tôi đi bằng cách nào: tôi đứng trên sân ga Benares hoặc Varanasi với nhõn một tấm vé vào sân ga trên tay, và nhảy tót lên một khoang hạng nhất khi chuyến tàu thư chuyển bánh về Tây. Giờ đây, rốt cuộc, tôi đã biết thế nào là cảm giác phải cố sống cố chết bám thật chặt, trong khi bụi bồ hóng đất tro bám đầy mắt, và phải đập cửa kêu nài, “Ohe, mahaji! Mở cửa đi! Cho con vào với, hỡi ngài tôn kính, mahaji!” Trong khi ở trong, một giọng nói thốt ra những lời quen thuộc: “Dù thế nào cũng không ai được mở. Dân lậu vé ấy mà.”
Ở Delhi: Saleem hỏi han khắp nơi. Anh có thấy ở đâu? Chị có biết liệu các nhà ảo thuật? Bác có quen Picture Singh? Một người đưa thư với ký ức về người dụ rắn đang nhạt dần trong mắt chỉ về phía Bắc. Và, sau đó, một người bán trầu lưỡi thâm sì trả tôi về đường cũ. Rồi, cuối cùng, tung tích cũng hết luẩn quẩn; các nghệ sĩ tạp kỹ giúp tôi bắt được mùi. Một người đàn ông Dill-dekho với cái máy vạn hoa, một người luyện chồn-và-rắn đầu đội chiếc mũ giấy như thuyền buồm đồ chơi của trẻ con, một cô gái bán vé ở rạp phim vẫn giữ những hoài niệm về tuổi thơ học việc với một nhà ảo thuật… như những ngư phủ, hỏ chỉ bằng ngón tay. Về phía Tây Tây Tây, cho đến khi, cuối cùng, Saleem tìm tới bến xe buýt Shadipur ở ngoại ô phía Tây thành phố. Đói khát kiệt quệ ốm yếu, lẩy bẩy nhảy lò cò khỏi đường đi của đám xe buýt gầm rú ra vào bãi đậu - những chiếc xe sơn màu hớn hở, nắp capô viết dòng chữ như Ý Chúa! và những tuyên ngôn khác, chẳng hạn như Ơn Chúa! ở hông xe - gã đi đến chỗ một dúm lều bạt rách nát chen chúc dưới gầm cây cầu đường sắt bằng bê tông, và thấy, dưới bóng bê tông, một người khổng lổ dụ rắn ngoác miệng nở nụ cười sâu răng vĩ đại, và, trên tay anh, mặc tấm áo phông in những cây guitar hồng, là một thằng bé trạc hai mươi mốt tháng, với đôi tai voi, cặp mắt to tròn như hai cái đĩa, vi nét mặt nghiêm nghị như một nấm mồ[6].
[6] Rushdie chơi chữ, chữ grave trong tiếng Anh vừa có nghĩa là nghiêm nghị, vừa có nghĩa là ngôi mộ.
Chương 30: Abracadabra[1]
[1] Câu thần chú mà các ảo thuật gia Ấn Độ thường sử dụng khi diễn trò, tương tự như Úm ba la xì bùa.
Sự thật là, tôi đã nói dối về cái chết của Shiva. Sự dối trá thẳng thừng đầu tiên của tôi - mặc dù phần tường thuật của tôi về thời kỳ Khẩn cấp dưới dạng một nửa đêm kéo dài sáu trăm ba mươi lăm ngày có lẽ là lãng mạn quá mức, và chắc chắn sẽ mâu thuẫn với hồ sơ dữ liệu về khí tượng. Mặc dầu vậy, và cho dù người khác nghĩ gì đi nữa, dối trá không hề là việc dễ dàng với Saleem, và tôi đang cúi gằm mặt xấu hổ khi thú nhận chuyện này... Vậy thì, vì sao, lời nói dối trắng trợn duy nhất này? (Bởi vì, trên thực tế, tôi không hề biết địch thủ của/đứa trẻ bị đánh tráo với tôi đi về đâu sau tai biến tại Khách sạn Góa phụ; hắn ở hỏa ngục hay nhà thổ cuối đường thì tôi cũng chẳng phân biệt được.) Padma, gắng hiểu cho tôi: tôi vẫn khiếp sợ hắn. Nợ nần giữa tôi và hắn chưa thanh toán hết, và mỗi ngày trôi qua tôi vẫn run rẩy trước ý nghĩ rằng biết đâu người hùng thời chiến sẽ khám phá ra bí mật lúc chào đời của hắn - có bao giờ hắn được cho xem một cặp hồ sơ có ba chữ cái đầu bật-mí-bí-mật? - và rằng, bị sự mất mát không thể vãn hồi của quá khứ thổi bùng lên cơn thịnh nộ, biết đâu hắn sẽ đến tìm tôi để giáng xuống một đòn báo thù ngạt thở... lẽ nào tất cả sẽ kết thúc như thế, sinh mệnh bị bóp nghẹt khỏi tôi bởi một cặp đầu gối siêu nhân, tàn ác?
Thế nên tôi mới bịa đặt; lần đầu tiên, tôi trở thành nạn nhân của sự cám dỗ mà mọi người viết tự truyện đều gặp phải, của ảo tưởng rằng bởi vì quá khứ chỉ tồn tại trrong những ký úc của con người và những từ ngữ cố gắng một cách vô ích để biểu đạt chúng nên có thể tạo ra những sự kiện trong quá khứ đơn giản bằng cách viết rằng chúng đã xảy ra. Nỗi sợ hiện tại của tôi đã đặt khẩu súng vào tay Roshanara Shetty; với hồn ma của Trung tá Sabarmati đứng sau nhòm qua vai tôi, tôi cho cô hối lộ ve vãn luồn lọt để vào được xà lim của hắn... tóm lại, ký ức về một trong những tội ác đầu tiên đã tạo nên tình huống (giả tưởng) cho tội ác cuối cùng của tôi.
Kết thúc màn thú tội: bây giờ tôi đang đến gần một cách nguy hiểm cái kết cho những hồi tưởng của tôi. Đêm đã về; Padma đã vào vị trí; ở bức tường trên đầu tôi, một con thằn lằn vừa nhai rau ráu một con ruồi; cái nóng nung nấu của tháng Tám, dư sức ngâm cả não người, hân hoan sủi bọt giữa hai tai tôi; và mới năm phút trước chuyến tàu nội hạt cuối cùng đã vạch một đường vàng-và-nâu về phía Nam đến Ga Churchgate, thành thử tôi không nghe thấy điều Padma vừa nói, với vẻ thẹn thùng che giấu một quyết tâm mãnh liệt như dầu hỏa. Tôi đành bảo cô nhắc lại, và những cơ thịt của sự ngỡ ngàng bắt đầu co giật ở bắp chân cô. Tôi phải lập tức ghi lại rằng đóa sen-phân của chúng ta đã nói lời cầu hôn, “để em có thể săn sóc ông mà không phải hổ hẹn với bàn dân chiên hạ.”
Đúng như tôi sợ! Nhưng giờ lời đã nói ra, và Padma (tôi có thể đoán được) sẽ không chấp nhận câu trả lời “không”, tôi phản đối, như một trinh nữ mặt đỏ bừng: “Như vậy thì đường đột quá - rồi còn vụ phẫu thuật, rồi thứ bị vứt cho chó ăn: em không ngại ư? - và Padma, Padma, còn cả thứ-ăn-mòn-xương, nó sẽ biến em thành quả phụ! - và em mà nghĩ xem, còn lời nguyền chết thảm nữa, hãy nghĩ cái Parvati - em có chắc không, có chắc không có chắc không hả...?” Nhưng Padma, hàm răng siết chặt thành khối bê tông của một quyết tâm hùng hồn không gì lay chuyển nổi, trả lời: “Ông nghe em đây - với em không có nhưng nhị gì sất! Không bàn đến mấy chuyện hoang đường ấy nữa. Còn có tương lai để nghĩ tới.” Tuần trăng mật sẽ diễn ra ở Kashmir.
Dưới cái nóng hừng hực từ quyết tâm của Padma, lòng tôi nhói lên một ý nghĩ điên cuồng rằng biết đâu, sau tất cả, em là người có thể thay đổi kết cục câu chuyện của tôi, bằng sức mạnh ý chí phi thường của em, rằng những vết nứt - và bản thân cái chết - có thể sẽ phải lùi bước trước quyền năng của niềm quan thiết khôn nguôi em dành cho tôi... “Còn có tương lai để nghĩ tới,” em nhắc tôi - và biết đâu (tôi cho phép mình nghĩ lần đầu tiên từ khi bắt đầu câu chuyện này) - biết đâu còn có thật! Hằng hà sa số những cái kết mới chen chúc quanh đầu tôi, vo ve như bầy côn trùng của cái nóng... “Mình cưới nhau đi, ông.” em cầu hôn, và đàn bướm đêm của niềm phấn khích loạn động trong ruột tôi, như thể em vừa đọc một chú ngữ thần bí, một câu abracadabra siêu phàm, giải phóng tôi khỏi định mệnh - nhưng hiện thực đang đeo đuổi tôi. Tình yêu không chinh phục tất cả, trừ trong phim chớp bóng Bombay; rách nứt rạn sẽ không bị đánh bại chỉ bởi một nghi lễ; và lạc quan là một căn bệnh.
“Vào sinh nhật ông, có được không?” em gợi ý. “Tam thập nhi lập, đàn ông ba mốt lấy vợ là phải rồi.”
Tôi biết nói thế nào với em? Làm sao tôi nói được, rằng còn có những kế hoạch khác cho ngày hôm đó, tồi luôn bị bóp nghẹt trong một định mệnh điên-cuồng-với-hình-thái, vốn thích gieo rắc tai ương vào những ngày linh thiêng... tóm lại, làm sao tôi nói được với em về cái chết? Tôi không thể; thay vào đó, với vẻ nhu mì và muôn phần cảm kích, tôi nhận lời cầu hôn của em. Tôi, đêm hôm nay, là một tân lang; hãy đừng ai nghĩ khắt khe về tôi vì đã tự cho phép mình - và bông sen kết tóc se tơ của tôi – niềm hoan lạc cuối cùng, tầm thường, vô nghĩa này.
Padma, qua việc cầu hôn, đã cho tháy, em sẵn lòng xem mọi thứ tôi kể cho em chỉ là những “chuyện hoang đường” không hơn không kém; khi tôi trở lại Delhi và thấy Picture Singh cười ngoác miệng dưới bóng chiếc cầu đường sắt, tôi mau chóng hiểu ra rằng cả các nhà ảo thuật cũng đang mất dần ký ức. Đâu đó trong những lần di chuyển của khu ổ chuột lưu động, họ đã làm thất lạc năng lực ghi nhớ của mình, thành thử giờ đây họ đã mất khả năng phán đoán, vì họ đã quên mọi thứ có thể sử dụng để tham chiếu với những việc đã xảy ra. Ngay cả thời kỳ Khẩn cấp cũng đang nhanh chóng rơi vào sự mai một của quá khứ, và các nhà ảo thuật chú tâm vào hiện tại với sự chuyên nhất của loài sên. Họ cũng không nhận ra rằng mình đã thay đổi; họ quên rằng mình đã từng khác bây giờ, chủ nghĩa Cộng sản đã rỉ ra khỏi họ và bị mặt đất khát nước, nhanh như thằn lằn, nuốt sạch; họ bắt đầu quên những kỹ năng nghề nghiệp trong cơn hỗn loạn của đói khát, bệnh tật và sự bạo hành của cảnh sát - những yếu tố cấu thành (như thường lệ) hiện tại. Tuy nhiên, với tôi, sự thay đổi ở những bằng hữu cũ này không khác gì một cú sốc. Saleem đã biết thế nào là mất trí nhớ, và đã được thấy mức độ phi đạo đức của nó; trong đầu gã, quá khứ mỗi ngày trở nên một rực rỡ hơn trong khi hiện tại (đã bị những lưỡi dao cắt đứt khỏi gã mãi mãi) có vẻ không màu, rối rắm, một thứ chẳng có gì quan trọng; tôi, kẻ nhớ rõ từng sợi tóc trên đầu bọn cai ngục và bác sĩ phẫu thuật, choáng váng sâu xa trước thái độ ngần ngại nhìn lại sau lưng của các nhà ảo thuật. “Người chả khác gì mèo, tôi bảo con trai, “chẳng dạy được cái gì hết.” Mặt thằng bé có vẻ nghiêm nghị rất hợp cảnh, nhưng nó nín thinh.
Con trai tôi Aadam Sinai đã, khi tôi tái phát hiện khu trại bóng ma của các nhà ảo thuật, mất hẳn mọi dấu tích của chứng lao phổi từng hành hạ nó hồi mới sinh. Tôi, lẽ dĩ nhiên, tin chắc chắn rằng căn bệnh đã tiêu tan cùng với sự sụp đổ của mụ Góa phụ; Picture Singh, mặc dù vậy, bảo tôi rằng công lao chữa bệnh phải được quy cho một mụ thợ giặt nào đó, tên gọi Durga, người đã nuôi vú thằng bé suốt thời gian nó ốm, cho nó ngày ngày hưởng dụng hai bầu sữa đồ sộ và bất tận của mụ. “Cái mụ Durga ấy, đội trưởng,” người dụ rắn già nói, giọng anh tố cáo sự thật rằng, khi về già, anh đã trúng bùa xà ngải rắn của mụ dhoban nọ, “Thật là một người đàn bà!”
Mụ là người đàn bà có bắp tay cuồn cuộn; có cặp vú siêu nhiên đổ ra dòng sữa có khả năng nuôi dưỡng hàng trung đoàn; và, người ta đồn kín với nhau rằng (mặc dù tôi ngờ rằng tin đồn này do chính mụ tung ra), có hai tử cung. Vú mụ nhiều sữa bao nhiêu thì đầu mụ cũng nhiều chuyện tấm phào với ngồi lê đôi mách bấy nhiêu: mỗi ngày cả tá chuyện mới tuôn ra từ mồm mụ. Mụ sở hữu một nguồn năng lượng vô tận phổ biến trong tất cả đám chị em bạn nghề; khi mụ quật những sơ mi và sari lên phiến đá giặt đến phọt hết sinh khí ra ngoài, mụ dường như gia tăng sức mạnh, như thể mụ hút cạn sinh lực của quần áo, những món đồ có chung một kết cục là phẳng lì, đứt hết khuy và bị nện nhừ tử. Mụ là một con quái vật sống hết ngày nào quên ngay ngày ấy. Tôi phải hết sức miễn cưỡng bản thân khi đồng ý làm quen với mụ; và cũng hết sức miễn cưỡng tôi mới để mụ bước vào những trang viết này. Tên mụ, từ trước khi tôi gặp mụ, đã có mùi của cái mới; mụ đại diện cho tân kỳ, những khởi đầu, sự xuất hiện của những câu chuyện sự kiện điều phức tạp mới, mà tôi thì không còn hứng thú với bất cứ thứ gì mới nữa. Tuy nhiên, một khi Pictureji đã cho tôi biết anh định lấy mụ, tôi chẳng còn lựa chọn nào khác; mặc dù vậy, tôi sẽ đề cập đến mụ vắn tắt nhất mà vẫn bảo đảm tính xác thực.
Nào thì vắn tắt: mụ Durga thợ giặt là một con hồ ly tinh! Một con thằn lằn hút máu đội lốt người! Và ảnh hưởng của mụ lên Picture Singh chỉ có thể so với uy lực của mụ đối với những chiếc áo bị quật vào đá: nói tóm lại, mụ đè bẹp anh. Gặp mụ một lần, tôi hiểu tại sao nhìn Picture Singh lại già và sầu thảm như thế; nay bị tước đi chiếc ô hòa hợp mà nam phụ lão ấu từng tụ tập ở dưới để được nhận lời khuyên và bóng mát, anh như ngày một héo hon đi; khả năng anh trở thành con Chim ngân nga thứ hai đang tan biến ngay trước mắt tôi. Durga, trong khi đó, ngày một vượng hơn: những chuyện ngồi lê đôi mách của mụ ngày càng tục tĩu, giọng mụ ngày một to và khàn, đến khi rốt cuộc mụ làm tôi nhớ đến Mẹ Bề trên những năm cuối đời, khi bà phình ra còn ông tôi co lại. Sự tái hiện đầy hoài niệm hình ảnh ông bà tôi là điều duy nhất làm tôi hứng thú ở tính cách của mụ thợ giặt mồm loa mép giải này.
Nhưng không thể nào phủ nhận sự hào phóng của tuyến sữa của mụ: Aadam, ở tháng thứ hai mươi mốt, vẫn đầy thỏa mãn bú vú mụ. Đầu tiên tôi nghĩ đến việc cho thằng bé cai sữa, nhưng rồi nhớ ra con trai tôi chỉ làm duy nhất điều nó muốn, nên tôi thôi không ép nó nữa. (Và, hóa ra, tôi đã đúng khi không làm thế.) Vì cái tử cung nghe-đồn-là-kép của mụ, tôi không có khao khát biết chuyện đấy thật hay giả, nên không đi sâu tìm hiểu.
Tôi đề cập đến Durga mụ dhoban, chủ yếu vì chính mụ là người đầu tiên, một buổi tối khi chúng tôi đang dùng bữa với hai mươi bảy hạt cơm mỗi suất, tiên đoán về cái chết của tôi. Tôi, phát bực với dòng tin tức và tán nhảm bất tận của mụ, phàn nàn, “Durga Bibi, chả ai quan tâm đến mấy chuyện chị kể đâu!” Nghe vậy mụ, bình thản, “Saleem Baba, tôi tử tế với cậu vì Pictureji bảo rằng sau khi bị bắt chắc cậu tan vỡ ghê gớm lắm; nhưng, nói thật, tôi thấy độ này cậu chả quan tâm đến cái gì ngoài việc vật vờ đi lại. Cậu nên biết rằng khi một người mất hứng thú với cái mới, anh ta đang mở cánh cửa đón Hắc thần.”
Và mặc dù Picture Singh mềm mỏng, “Coi nào, đội trưởng gái, đừng khắt khe với cậu bé,” mũi tên của Durga mụ dhoban đã trúng đích.
Trong tình trạng kiệt quệ của ngày trở về sau khi bị hút kiệt, tôi tìm thấy ngày tháng trống rỗng bao bọc lấy tôi như một lớp thạch dày: và mặc dù Durga đề nghị, vào sáng hôm sau, và có lẽ do chật lòng áy náy về những lời lẽ cay nghiệt của mình, giúp tôi hồi phục sức khỏe bằng cách cho tôi bú vú trái trong khi con trai tôi bú bên phải, “và sau đó biết đâu cậu sẽ suy nghĩ bình thường trở lại,” những điềm báo của tử vong bắt đầu chiếm lĩnh phần lớn tâm trí tôi; thế rồi tôi khám phá ra tấm gương của sự hèn mọn ở bến xe Shadipur, và bắt đầu tin rằng tử kỳ của tôi đang đến.
Đó là tấm gương treo nghiêng phía trên lối vào ga ra xe buýt; tôi, lang thang vô định trong sân trước của bến xe, bị thu hút bởi ánh mặt trời nhấp nháy mà nó phản chiếu ra. Tôi nhận ra đã nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, tôi chưa nhìn thấy mình trong gương, và đi qua đứng bên dưới nó. Nhìn lên tấm gương, tôi thấy mình biến dạng thành một người lùn đầu to, thân trên nặng nề; trong hình ảnh bị thu ngắn lại một cách hèn mọn ấy của bản thân, tôi thấy tóc mình nay đã xám xịt như mây trời; thằng lùn trong gương, với khuôn mặt nhăn nheo và đôi mắt mỏi mệt, gợi nhớ sâu sắc cho tôi về ông tôi Aadam Aziz vào cái ngày ông nói chuyện nhìn thấy Chúa với chúng tôi. Khi ấy những khổ não được Parvati-phù-thủy chữa khỏi đều (hệ quả của việc bị hút kiệt) trở lại hành hạ tôi; tay chín ngón, sừng thái dương, đầu sư cọ, mặt nhọ, chân vòng kiềng, mũi dưa chuột, bị thiến, và nay lại già trước tuổi, tôi đã thấy trong tấm gương của sự hèn mọn ấy một con người mà lịch sử không còn gì để làm nữa, một sinh vật dị hợm vừa được phóng thích khỏi cái số kiếp tiền định đã đánh đập gã tơi bời cho đến khi gã chỉ còn nửa điên nửa tỉnh; với một tai lành và một tai điếc tôi nghe thấy tiếng chân vị Hắc thần của cái chết.
Khuôn mặt trẻ-già của thằng lùn trong gương biểu lộ sự nhẹ nhõm sâu sắc.
Tồi đang trở nên rầu rĩ; ta hãy đổi đề tài... Đúng hai mươi bốn tiếng trước khi lời chế nhạo của một anh hàng trầu khiêu khích Picture Singh đến chỗ lên đường đi Bombay, Aadam Sinai con tôi đi đến một quyết định cho phép chúng tôi đồng hành với người dụ rắn: sau một đêm, chẳng hề báo trước, và trước sự bần thần của người vú nuôi thợ giặt, người buộc phải vắt sữa thừa vào những thùng vanaspati năm lít, thằng bé Aadam tai quạt cự cai sữa, lẳng lặng từ chối bầu vú và yêu cầu (không lời) được ăn dặm: cơm nhão đậu nhừ bích quy. Như thể nó đã quyết định cho phép tôi tiến đến cái đích riêng tư và nay-đã-rất-gần của mình.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian